Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Hội thảo kinh tế Việt nam-Nhật Bản lần thứ tư tại Tokyo


Chiều 30/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân (FEC) của Nhật Bản đã tổ chức cuộc hội thảo kinh tế Việt-Nhật lần thứ 4 tại Tokyo. Tham dự hội thảo có đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dẫn đầu và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình. Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại diện các viện nghiên cứu, doanh nghiệp Nhật Bản tới dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch FEC Ken Matsuzawa cảm ơn chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho chính phủ và nhân dân Nhật Bản tình cảm chân thành và sự ủng hộ kịp thời trong thảm họa động đất-sóng thần vừa qua.


Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tham dự hội thảo kinh tế Việt-Nhật lần thứ 4 tại Tokyo. (Ảnh: Nguyễn Minh Sơn)
Ông cho biết FEC thường xuyên phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức các cuộc hội thảo kinh tế thường niên trao đổi các thông tin, ý kiến giữa chính phủ và doanh nghiệp hai nước nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ông rất hoan nghênh Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tới dự và phát biểu tại hội thảo, đồng thời tin rằng đây là cơ hội tốt để hai bên trao đổi ý kiến mang tính xây dựng tích cực nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực cùng quan tâm.
Với tư cách là một trong hai nhà đồng tổ chức hội thảo, Đại sứ Nguyễn Phú Bình chia sẻ những tổn thất mà Nhật Bản phải gánh chịu trong trận động đất-sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, đồng thời cám ơn các tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ công dân Việt Nam sơ tán an toàn khỏi các khu vực chịu động đất mạnh.
Đại sứ cũng thông báo kết quả thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 Đảng Cộng sản Việt Nam, cho biết Đại hội đã thông qua nghị quyết, trong đó có nội dung về dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X (2006-2010) và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2011-2015 nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình Đại hội XI.
Về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Đại sứ Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh năm 2009, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Đại sứ tin chắc rằng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững vì có nhiều điểm tương đồng và nhiều thế mạnh có thể bổ sung cho nhau.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc chia sẻ với chính phủ và nhân dân Nhật Bản những tổn thất nặng nề trong thảm họa kép động đất-sóng thần vừa qua, bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần bình tĩnh, kiên cường của nhân dân Nhật Bản trong khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ trưởng cho biết chưa bao giờ ở Việt Nam lại có một phong trào quyên góp ủng hộ sâu rộng như vậy dành cho nhân dân Nhật Bản, qua đó mới thấy hết tình cảm chân thành giữa những người bạn thân thiết của nhau.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, những nhiệm vụ khó khăn mà Việt Nam cần giải quyết như vừa phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện thâm hụt thương mại, chống lạm phát, xóa đói giảm nghèo, phấn đấu trong 10 năm tới tăng thu nhập bình quân đầu người từ 1.200 USD lên 3.500 USD.
Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Việt Nam cần tới 300 tỷ USD vốn đầu tư để nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Để có nguồn vốn lớn như vậy, chính phủ Việt Nam sẽ huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, trong đó chú trọng hình thức phối hợp đầu tư công-tư.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc hoan nghênh các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá cao hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, cho rằng Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam, là một trong những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Bộ trưởng tin tưởng rằng với những ưu thế có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau vì lợi ích chung của hai bên, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tại cuộc hội thảo, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng đã trả lời các câu hỏi mà các viện nghiên cứu và doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm về chính sách ưu đãi của chính phủ Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài, các biện pháp ổn định, phát triển kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam./.
Minh Sơn-Thanh Tùng (Vietnam+)

(Theo blog Đinh Thế Huynh)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Hội đồng bầu cử


Chiều 30/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp thứ năm Hội đồng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng bầu cử cho ý kiến vào báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: Trí Dũng)
Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử do ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban công tác đại biểu, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử trình bày cho biết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã diễn ra trong không khí dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp.Tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử đạt rất cao ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước trong đó, có 4 tỉnh cao nhất, đạt 99,99% là Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn.
Thảo luận, đóng góp ý kiến, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng báo cáo cần làm rõ hơn tầm quan trọng của công tác chuẩn bị đã góp phần làm nên thành công của cuộc bầu cử. Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường vụ Quốc hội, cần phải đánh giá vai trò của Hội đồng bầu cử, các tiểu ban giúp việc cho Hội đồng bầu cử, cũng như tổ chức bầu cử các cấp…
Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Quynh đề nghị báo cáo cần đánh giá và làm nổi bật nội dung, ý nghĩa của cuộc bầu cử đã được nhân dân và cử tri cả nước hết sức quan tâm, những kết quả đạt được thể hiện trách nhiệm cao của cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là ý nghĩa của việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cùng trong một thời điểm.
Tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần có sự phân tích, đánh giá để làm rõ hơn tính chất dân chủ, bình đẳng và những kết quả đã đạt được của cuộc bầu cử.
Phát biểu kết luận phiên họp thứ năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đánh giá báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử về cơ bản đã phản ánh đúng thực chất của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên, Tổng Bí thư đề nghị trong Báo cáo cần nêu rõ bối cảnh, đặc điểm, yêu cầu, tính chất của cuộc bầu cử lần này, đồng thời làm nổi bật những điểm mới của cuộc bầu cử (bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cùng trong một ngày…).
Trên tinh thần làm rõ hơn về thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đồng chí đề nghị cần có sự phân tích cụ thể kết quả của cuộc bầu cử để thấy được chất lượng của cuộc bầu cử.
Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên, trước khi trình Thường vụ Quốc hội xem xét vào đầu tháng Sáu tới./.
Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)


(Theo blog Đinh Thế Huynh)

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc PVN


Ngày 29/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo về việc ngày 26/5, tàu Hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) khi tàu Bình Minh 02 đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nêu rõ: Khu vực Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực “do Trung Quốc quản lý”. Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp.

Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phát biểu ngày 28/5/2011 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng “Việc phía Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý đã làm tổn hại lợi ích và quyền quản lý của Trung Quốc ở “Nam Hải”, đi ngược lại nhận thức chung của hai nước về vấn đề “Nam Hải”… “Hành động mà cơ quan chủ quản của phía Trung Quốc áp dụng hoàn toàn là hoạt động giám sát và chấp pháp trên biển trong vùng biển do Trung Quốc quản lý. Phía Trung Quốc luôn nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định “Nam Hải”", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nêu rõ: “Việt Nam bác bỏ phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/5 về vấn đề này. Cần làm rõ một số điểm như sau. Thứ nhất, khu vực Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực “do Trung Quốc quản lý”. Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp. Thứ hai, Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước. Thứ ba, Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông và gần đây Trung Quốc có một loạt va chạm với Việt Nam và cả Philippines, ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia khẳng định:”Yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, trái với Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc là một thành viên. Yêu sách này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, và đã bị nhiều nước phản đối. Việc Trung Quốc tìm cách thực hiện yêu sách này trên thực tế đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố “Trung Quốc chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp”, “dù lớn mạnh cũng không xưng bá”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Chúng tôi mong rằng Trung Quốc sẽ thể hiện vai trò có trách nhiệm của một nước lớn, thực hiện đúng tinh thần tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc”.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc PVN đã thông báo diễn biến sự việc tàu Bình Minh 02 của PVN bị 3 tàu Hải giám của Trung Quốc cản phá, đe dọa, cắt cáp thăm dò tại vị trí: 12o48’25″ Bắc và 111o26’48″ Đông, cách mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) 116 hải lý.
Ông Đỗ Văn Hậu khẳng định: Khu vực khảo sát nằm rất sâu trong thềm lục địa của Việt Nam; PVN đã tiến hành khảo sát nhiều lần và hoạt động khảo sát của tàu Bình Minh 02 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hết sức bình thường. Việc cắt cáp là có chủ ý và đã được chuẩn bị từ trước, vì nếu không có thiết bị đặc biệt thì không thể cắt cáp ở độ sâu 30m. Sự việc này đã gây thiệt hại đáng kể và cản trở hoạt động của PVN. Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc để thay thế, sửa chữa thiết bị. Tuy nhiên, đến nay, tàu Bình Minh 02 đã trở lại hoạt động bình thường
PV

(Theo blog Đinh Thế Huynh)

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

ông Đinh Thế Huynh: Cần thấm nhuần cơ sở khoa học của Nghị quyết Đảng


Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 27-5 đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng dành cho lãnh đạo các cơ quan văn hoá – văn nghệ phía Bắc. Ông Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, dự và phát biểu tổng kết hội nghị.

Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khu vực phía Bắc
Theo TTXVN, ông Đinh Thế Huynh nêu bật ý nghĩa chiến lược, lâu dài của các văn kiện quan trọng được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua đối với sự phát triển đất nước. Ông nhấn mạnh: Nội dung của các văn kiện đại hội đều rất quan trọng. Qua hội nghị, các cán bộ chủ chốt của các cơ quan văn hoá, văn học, nghệ thuật, các nhà văn hoá, văn nghệ sĩ cần nắm vững những vấn đề cơ bản, cốt lõi, những vấn đề mới, những chủ trương, chính sách, quyết sách nêu trong các văn kiện, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật… vận dụng sáng tạo, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động của cơ quan, đơn vị, tổ chức nghiêm túc các lớp nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Ông Đinh Thế Huynh
Ông Đinh Thế Huynh đề nghị qua nghiên cứu, các đại biểu cần thấm nhuần cơ sở khoa học, quan điểm của Đảng, mối liên hệ giữa các lĩnh vực, liên hệ thực tế để vận dụng sáng tạo nghị quyết đại hội vào thực tiễn công tác, biến thành vốn sống của mình. Qua đó, có động lực tinh thần mới, có ý tưởng mới, sáng tạo những tác phẩm có giá trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Ng.Tống

(Theo blog Đinh Thế Huynh)

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Bộ Ngoại giao Việt Nam: phản đối hành động phía Trung Quốc và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam


Ngày 27/5, trả lời câu hỏi của Thông tấn xã Việt Nam về việc ngày 26/5/2011, tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam, quan chức Bộ Ngoại giao xác nhận vào lúc 5 giờ 58 phút sáng 26/5/2011, trong khi tàu Bình Minh 02 đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị 3 tàu hải giám số 12, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò.

Dây cáp tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt đứt. (Nguồn: TTXVN)
Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12o48’25” Bắc và 111o26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.
Quan chức Bộ Ngoại giao cho biết sáng 27/5/2011, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

tàu Bình Minh
Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông./.
(TTXVN/Vietnam+)

(Theo blog Đinh Thế Huynh)

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Đồng chí Đinh Thế Huynh: Báo chí xuất bản đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống


Chiều 25/5, tại Hà Nội, Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng dành cho lãnh đạo các cơ quan báo chí – xuất bản khu vực phía Bắc, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức đã kết thúc, sau hai ngày làm việc nghiêm túc. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tổng kết Hội nghị.

Đồng chí Đinh Thế Huynh: Các cơ quan báo chí xuất bản là kênh quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống
Tại Hội nghị, các đồng chí báo cáo viên là người trực tiếp tham gia công tác soạn thảo các Văn kiện trình Đại hội XI của Đảng đã truyền đạt, luận giải sâu sắc những quan điểm lớn, những điểm mới và những nội dung cơ bản trong các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).
Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Nội dung của các văn kiện Đại hội đều rất quan trọng, mỗi phần, mỗi điểm đều có vị trí quan trọng, đều cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm vững và vận dụng sáng tạo, tuy nhiên, một số một dung cần được quán triệt thật sâu. Đồng chí yêu cầu các cán bộ chủ chốt của các cơ quan báo chí – xuất bản cần nắm vững, quán triệt: 5 bài học kinh nghiệm lớn từ thực tiễn cách mạng Việt Nam; 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng; mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta và mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; 8 phương hướng cơ bản, 8 mối quan hệ lớn, 4 định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, cần nắm vững 5 quan điểm phát triển, mục tiêu chiến lược và 3 đột phá chiến lược, 12 nội dung trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội, 4 vấn đề cơ bản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Về báo cáo chính trị, đồng chí Đinh Thế Huynh lưu ý các đồng chí dự Hội nghị cần nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm tới; các nhiệm vụ và các giải pháp lớn trên các lĩnh vực kinh tế – văn hóa, giáo dục, khoa học, môi trường, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng.
Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Các cơ quan báo chí xuất bản là kênh quan trọng đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng vào cuộc sống, tạo sự thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; nâng cao nhận thức, tính chiến đấu, tính tư tưởng, phản ứng mau lẹ để đấu tranh bác bỏ những luồng tư tưởng, các quan điểm sai trái, thù địch; uốn nắn những nhận thức lệch lạc.
Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị, trên cơ sở học tập và thảo luận, các cán bộ chủ chốt của các cơ quan báo chí – xuất bản nắm vững những vấn đề cơ bản, cốt lõi, những vấn đề mới trên từng lĩnh vực được nêu trong mỗi văn kiện, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động của cơ quan đơn vị; tổ chức nghiêm túc các lớp nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng tại đơn vị. Trên cơ sở nắm vững nội dung các văn kiện Đại hội XI của Đảng và các chủ trương của Đảng về công tác báo chí – xuất bản, các cơ quan báo chí – xuất bản vận dụng sáng tạo, xây dựng kế hoạch, chuyên trang, chuyên mục, chương trình tuyên truyền sinh động, truyền tải hấp dẫn các chủ trương, đường lối, các quyết sách của Đảng nêu trong các văn kiện đến với cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống. Đồng thời, các cơ quan báo chí – xuất bản tiếp tục tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị làm cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, quan trọng của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân./.
TG

(Theo blog Đinh Thế Huynh)

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Đồng chí Đinh Thế Huynh làm việc với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương


Sáng 24/5, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về công tác tuyên giáo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XI vào cuộc sống. Cùng đi với đồng chí Đinh Thế Huynh có các đồng chí cán bộ, lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Bám sát sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Khối, công tác tuyên giáo của Đảng bộ Khối đã góp phần tích cực tham mưu, đề xuất, giúp cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai công tác tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng dư luận xã hội trong đơn vị. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo với nội dung tuyên truyền phong phú, có chủ đề, tính tư tưởng, tính đảng rõ hơn, góp phần nâng cao thương hiệu, uy tín các doanh nghiệp và và vị trí, vai trò của Đảng ủy khối Doanh nghiệp trung ương.
Ngay sau thành công của đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương là một trong 10 đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức các lớp quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tới toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên là lãnh đạo chủ chốt các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trực thuộc. Với tinh thần tổ chức học tập nghiêm túc Nghị quyết của Đảng, đồng thời đảm bảo sản xuất kinh doanh, Đảng bộ Khối phấn đấu hoàn thành việc học tập nghị quyết trong toàn đảng bộ vào đầu tháng 7/2011.
Ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ Khối trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Đảng bộ Khối tiếp tục làm tốt việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, góp phần để tất cả các cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ nắm vững và hiểu rõ các nội dung cơ bản và tinh thần chung của Nghị quyết. Đối với các doanh nghiệp trực thuộc, cần chú trọng thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”. Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị cụ thể của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, doang nghiệp trực thuộc Khối.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cùng đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo TW chụp ảnh lưu niệm với Đảng uỷ Khối.
Đồng chí cũng lưu ý, Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối cần có mối liên hệ thường xuyên với Ban Tuyên giáo Trung ương, Vụ Báo chí, Cục báo chí để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực thuộc có tiếng nói, diễn đàn và phát triển thương hiệu; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp./.
Hiền Hoà

(Theo blog Đinh Thế Huynh)

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh làm việc với Đảng bộ ngoài nước


Chiều 23/5, phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ ngoài nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã ghi nhận và hoan nghênh những nỗ lực cố gắng của các tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ đảng viên ở ngoài nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực hội nhập quốc tế.

Ông Đinh Thế Huynh làm việc với Đảng ủy ngoài nước. (Ảnh: Doãn Tấn)
Về những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, mau lẹ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên, công tác vận động tập hợp quần chúng ở ngoài nước càng phải được coi trọng hơn.
Đảng bộ ngoài nước cần làm tốt việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI theo tinh thần Chỉ thị số 01 của Bộ Chính trị, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị.
Ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Ban chấp hành Đảng bộ ngoài nước, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, điều kiện đặc thù trong công tác Đảng ngoài nước, ông Đinh Thế Huynh lưu ý, Đảng bộ ngoài nước cần có cách thức phù hợp, hiệu quả trong việc quán triệt nội dung các văn kiện Đại hội XI của Đảng, để đông đảo cán bộ đảng viên, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, cũng như bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Đảng Cộng sản Việt Nam, về sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được, qua đó tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong cán bộ đảng viên, đồng bào ở nước ngoài, sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng và nhân dân đã đặt ra trong 5 năm, 10 năm, 20 năm tới…
Việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành việc làm thường xuyên, liên tục ở tất cả các tổ chức cơ sở Đảng và đồng bào ở ngoài nước, góp phần đẩy lùi tình trạng suy giảm đạo đức lối sống, động viên cán bộ, đảng viên ở ngoài nước thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.
Tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy ngoài nước Trương Mạnh Sơn đã báo cáo một số nét về tình hình tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng người Việt Nam ở ngoài nước; kiểm điểm kết quả công tác tuyên giáo của Đảng ủy ngoài nước, những việc đã làm được, những việc chưa làm được sau 2 năm triển khai thực hiện Thông báo số 238-TB/BTGTW; đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể nhằm triển khai thực hiện tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, cũng như tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, sớm tổng kết Nghị quyết 38/NQ-TW của Bộ Chính trị về tổ chức Đảng ngoài nước.
Theo báo cáo, tình hình cán bộ, đảng viên và quần chúng người Việt Nam ở ngoài nước ngày càng tăng về số lượng, phong phú đa dạng về thành phần, đặt ra những yêu cầu mới cả về mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, vận động tập hợp kiều bào.
Đại bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài đều hòa nhập tốt ở nước sở tại và luôn đoàn kết, hướng về quê hương đất nước./.
Nguyễn Thị Sự

(Blog Dinh The Huynh)

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

National Assembly Chairman Nguyen Phu Trong: Over 60 million voters carry out duty


Over 62 million voters nationwide on Sunday join the biggest elections since Đổi mới to select 500 best candidates for the new parliarment, said Party General Secretary and NA Chairman Nguyen Phu Trong.

Party General Secretary and National Assembly Chairman Nguyễn Phú Trọng casts his ballots to select members of the 13th NA and People’s Committee at all levels, electoral unit 1, Hà Nội, May 22, 2011
The leader made the statement at his meeting with correspondents in Hà Nội after casting  ballots for the members of the 13th National Assembly and People’s Committees for 2011-2016 term.
On the occasion, more than 3,800 and over 280,000 members will be elected to the provincial People’s Committees and communal People’s Committees, respectively.
Việt Nam has entered a new development stage with a 2011-2020 socio-economic development strategy and the elections are of crucial importance to the country’s future.
The Party chief called on voters to ardently go to the polls to choose the best candidates for the contry’s highest legislature and People’s Committees at all levels.

By Hải Minh


(Blog Dinh The Huynh)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng Quốc hội khóa XIII làm tròn trách nhiệm


Sáng 22/5, ngay sau các nghi lễ khai mạc của cuộc bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử, đã bỏ lá phiếu đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn của báo chí tại khu vực bỏ phiếu. (Ảnh: Trí Dũng)
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài, ngay sau khi bỏ phiếu bầu cử, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ niềm vui, niềm tự hào được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình; được chứng kiến không khí hồ hởi, phấn khởi của cử tri đi bỏ phiếu bầu cử.
Nêu bật ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói: Mỗi cuộc bầu cử đều có ý nghĩa và tầm quan trọng riêng, nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra cùng một thời điểm. Cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 62 triệu cử tri đi bầu cử theo quy định của pháp luật, để bầu ra 500 đại biểu Quốc, 3.800 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 21.000 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 281.000 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (lấy số chẵn).
Diễn ra cùng một thời điểm nên nhân dân được thực hiện quyền tổng tuyển cử trọn vẹn, cả ở cấp Trung ương và cấp địa phương. Cuộc bầu cử lần này diễn ra vào thời điểm đất nước đã trải qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, tạo được nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp, cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập quốc tế.
Gửi thông điệp tới cử tri cả nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ cảm ơn đồng bào, cử tri trên cả nước trong nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, rất quan tâm đến hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử, luôn cổ vũ động viên và phản ánh, gửi gắm tất cả tâm tư nguyện vọng với các cơ quan dân cử để hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, đồng thời kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong cuộc sống.
Cử tri cũng đã tham gia rất tích cực vào việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử lần này, như giới thiệu các đại biểu ra ứng cử, tham gia tiếp xúc, đóng góp ý kiến cho các ứng cử viên, cả ở cấp Trung ương và địa phương. Chưa bao giờ có đợt tiếp xúc cử tri rộng lớn về quy mô, nhiều về số lượng như lần này, một ứng cử viên được tham gia rất nhiều vòng tiếp xúc cử tri; cử tri đã đóng góp quan trọng vào cuộc bầu cử.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng và mong muốn, với truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta, với ý chí và lòng yêu nước thiết tha, với tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vào thời điểm quan trọng này, cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và ở địa phương, bầu đúng, bầu đủ theo luật định, để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp và thực sự là một ngày trọng đại – ngày hội lớn của dân tộc ta.
Trả lời câu hỏi: Quốc hội khóa mới sẽ đóng góp như thế nào vào sự nghiệp phát triển đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Đang trên đà đổi mới, đồng thời phát huy những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được trong 65 năm qua, tôi tin tưởng rằng Quốc hội Khóa XIII sẽ làm tròn trách nhiệm mà nhân dân đang kỳ vọng, gửi gắm, đó là phải thực hiện tốt quyền lập pháp, quyền giám sát tối cao, quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước và mở rộng quan hệ đối ngoại của Quốc hội. Trong giai đoạn sắp tới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhân dân ta sẽ tiếp tục đoàn kết phấn đấu, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như mong ước của Bác Hồ kính yêu.”
PV

(Theo blog Nguyễn Phú Trọng)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện nghĩa vụ công dân


Trong ngày bầu cử 22/5, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân ngay trong giờ đầu khai mạc. Sáng 22/5, tại Hà Nội ngay sau các nghi lễ khai mạc của cuộc bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, đã bỏ lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng làm thủ tục bầu cử – Ảnh:Minh Huệ
Trả lời báo chí sau khi bỏ phiếu, đồng chí Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn cử tri chọn được những người xứng đáng nhất trong những người xứng đáng để bầu đúng, bầu đủ đại biểu như mong ước của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân (Ảnh: KT)
Đối với Quốc hội khóa XIII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng mong muốn, Quốc hội lần này sẽ kế thừa những gì có được của 12 khóa Quốc hội trước, sẽ phát huy truyền thống của các cơ quan dân cử, làm tròn trách nhiệm mà nhân dân đang kỳ vọng gửi gắm, đó là thực hiện tốt quyền lập pháp, quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, quyền giám sát tối cao, mở rộng quan hệ đối ngoại. Đồng thời những cơ quan đại diện của nhân dân sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu cử. – Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

(Theo blog Đinh Thế Huynh)